Ngày này, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tuy không còn phổ biến như thời kỳ trước đây. Nhưng vì hậu quả để lại đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ như suy giảm hệ miễn dịch, giảm phát triển trí não, tiếp thu chậm, giao tiếp xã hội kém, thể chất yếu,…Do đó, Ba mẹ cần nắm được những dấu hiệu nào đang cảnh báo cho vấn đề này ở trẻ, nhằm có các biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ hiệu quả.
Nội dung bài viết:
Những dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe thường xảy ra ở trẻ trong giai đoạn mầm non, khi chế độ ăn uống không được bổ sung đủ chất dinh dưỡng hoặc cơ thể bé hấp thu kém vì những lý do như mắc bệnh lý, trẻ gặp vấn đề về tâm lý, sinh hoạt không khoa học,…
Khi đó, một số biểu hiện dễ nhận thấy ở trẻ có thể đang bị suy dinh dưỡng như:
- Trong vài tháng liên tiếp, cân nặng của trẻ không tăng trưởng
- Trẻ có nhiều sự thay đổi trong hành vi (thao tác kém linh hoạt, chậm chạp, hay quấy khóc,..)
- Phần bắp thịt ở những vùng tay, chân không săn chắc, bụng to dần
- Chậm phát triển vận động (bò, ngồi, đi đứng,…)
- Biếng ăn, ngủ ít
Nếu Ba mẹ thấy con mình xuất hiện một hoặc nhiều các dấu hiệu kể trên cần đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay, tránh kéo dài sẽ dẫn đến các tác hại khôn lường về sau.
Hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em
Trên thực tế, có rất nhiều những ảnh hưởng xấu về thể chất, trí tuệ và tinh thần mà suy dinh dưỡng gây nên. Trong đó, phải kể đến như:
Tăng tỷ lệ tử vong
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, số trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi thì có đến hơn 54% có nguyên nhân liên quan đến bệnh suy dinh dưỡng ở mức độ vừa và nhẹ. Đây là một con số đáng báo động mà các bậc phụ huynh không nên chủ quan.
Thể chất yếu
Điều này chắc hẳn ai cũng biết, suy dinh dưỡng sẽ khiến thể chất của trẻ chậm phát triển và tùy vào mức độ nặng nhẹ mà việc ảnh hưởng cũng khác nhau. Bởi khi trẻ gặp phải tình trạng này, đồng nghĩa dinh dưỡng không được cung cấp đủ theo nhu cầu của cơ thể nên cân nặng, chiều cao tăng trưởng kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Và vấn đề có thể nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra càng sớm ở trẻ. Như những đứa trẻ bị thiếu chất từ khi còn trong bào thai đến khoảng 2 tuổi, thì khả năng cao đến tuổi dậy thì tầm vóc của trẻ cứ thấp bé, còi cọc mãi và rất khó để phát triển đúng mức dự kiến dù đây là giai đoạn lớn nhanh.
Não bộ chậm phát triển
Có thể nhiều Ba mẹ chưa biết, hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ không chỉ làm ảnh hưởng tới vóc dáng bên ngoài mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển về trí tuệ. Bởi khi cơ thể các con bị thiếu chất dinh dưỡng, trong đó có cả những chất cần cho não bộ như chất béo, sắt, i-ốt, DHA, taurine,…
Sự thiếu hụt kéo dài, bạn sẽ thấy trẻ có một số biểu hiện của việc trí não hoạt động không tốt là trẻ trở nên thẫn thờ, mắt lờ đờ, rối loạn ngôn ngữ, giao tiếp kém hơn bình thường. Tất cả những điều đó, có thể khiến kết quả học tập của trẻ bị ảnh hưởng, khó mở rộng các mối quan hệ hay và nhiều thứ khác trong tương lai.
Nguy cơ cao mắc bệnh
Suy dinh dưỡng ngoài làm cơ thể các bé trở nên yếu ớt, thì sức đề kháng cũng bị giảm sút nặng nề. Chưa kể, sức đề kháng của trẻ trong giai đoạn này vốn đã rất yếu và khi dinh dưỡng không đáp ứng đủ chắc chắn nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn bình thường.
Một số bệnh lý phổ biến bé dễ mắc phải điển hình như nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi hay tiêu chảy,…
Các biện pháp ngừa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, phụ huynh nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ hôm nay. Bao gồm:
- Trong quá trình mang thai, các mẹ cần đa dạng thực đơn ăn uống sao cho hợp lý, đủ chất, chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi đúng cách để thai nhi được khỏe mạnh.
- Cho trẻ bú sữa mẹ sau khi sinh và hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó có thể bổ sung thêm nguồn sữa công thức nhưng phải chọn loại phù hợp để thay thế.
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin trong thực đơn ăn dặm cho bé dưới 6 tuổi. Đồng thời, lưu ý trong cách chế biến để không làm mất đi chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm.
- Thường xuyên theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ dựa trên biểu đồ tăng trưởng để sớm phát hiện tình trạng và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.
- Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, tẩy giun sán định kỳ.
Như vậy, trên đây là thông tin về hậu quả, biểu hiện cũng như các phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ mà Ba mẹ nào cũng nên biết. Hy vọng, qua bài chia sẻ này từ DCA các gia đình sẽ chủ động để tìm hiểu và quan tâm đến sức khỏe bé yêu nhà mình trong những năm tháng đầu đời hơn.