Dạy con kỹ năng khi bị lạc là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng và cần thiết để bảo vệ an toàn cho con. Các bé thường rất năng động, thích vui chơi và tính hiếu kỳ cao nên khi đi đến những nơi như trung tâm mua sắm, khu vui chơi,… có khả năng bị lạc bố mẹ/người thân đi cùng cao. Chính vì thế bố mẹ cần phải dạy con xử lý khi bị lạc. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho các bậc phụ huynh một vài kỹ năng cơ bản khi trẻ đi lạc.
Nội dung bài viết:
Luôn bình tĩnh
Dạy con kỹ năng khi bị lạc đầu tiên đó là luôn giữ bình tĩnh, không hoảng loạn, sợ hãi. Bởi vì khi trẻ mất bình tĩnh, các con sẽ khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn, không đưa ra được quyết định đúng đắn và sáng suốt.
Bố mẹ cho con biết rằng đi lạc không đáng sợ và không quá nghiêm trọng, các bé chỉ đang tạm thời mất liên lạc với ba mẹ thôi. Bé hãy tìm đến những người đáng tin cậy như các chú bảo vệ, công an, khu vực quản lý an ninh tại địa điểm đó, cung cấp thông tin của người thân cho họ để họ phát lên loa thông báo.
Ngoài ra, cha mẹ khi cho con đến những nơi đông người, hãy mặc cho bé những bộ đồ sặc sỡ, nổi bật, chỉ cho bé một số địa điểm quen thuộc bé đứng nếu bị lạc để bố mẹ dễ dàng tìm thấy.
Ghi nhớ tên đầy đủ của bố mẹ
Dạy con ghi nhớ tên đầy đủ của bố mẹ là kỹ năng rất quan trọng để khi bị lạc, bé có thể hô thật to tên của bố mẹ, từ đó bố mẹ dễ tìm được vị trí của con. Bên cạnh đó, bố mẹ dạy con biết cách phân biệt đâu là người đáng tin và đâu là người đang định có ý đồ xấu đối với con. Việc các bé nhớ tên đầy đủ của bố mẹ sẽ giúp bộ phận phát thanh loa tìm kiếm nhanh chóng hơn.
Ghi nhớ các thông tin quan trọng (nhà, trường)
Với những bé đã biết nói, hãy dạy con ghi nhớ các thông tin quan trọng ví dụ như tên cha mẹ (họ tên đầy đủ nếu có thể), địa chỉ nhà hoặc địa chỉ lớp & trường học, số điện thoại của bố/mẹ hoặc địa chỉ khu vực dễ tìm gần nhà mình.
Tuy nhiên khi bị lạc nhiều bé bị hoảng loạn và có thể quên những thông tin này nên bố mẹ nên chuẩn bị cho con chiếc thẻ nhỏ có ghi thông tin cơ bản và đeo vào dây chuyền hoặc bỏ vào túi đeo. Nếu không nhớ địa chỉ nhà, bé có thể nhớ tên trường vì đây là nơi dễ tìm nhất và cũng là nơi có cách thức liên lạc với gia đình bé, giữ an toàn cho bé.
Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ của người xung quanh
Một trong những kỹ năng không thể bỏ qua khi dạy con xử lý khi bị lạc đó là nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh. Hãy tìm đến người đáng tin cậy để gọi nhờ điện thoại (nếu nhớ số điện thoại liên lạc của cha mẹ) hoặc nhờ họ đưa về nhà.
Với cách này, khả năng các bé gặp phải người có ý đồ xấu không phải nhỏ nên tốt nhất hãy đến quầy lễ tân, quầy siêu thị, đồn cảnh sát hoặc phòng bảo vệ khu vực.
Luôn cảnh giác và từ chối người lạ
Các con phải biết từ chối mọi thứ mà người lạ đưa cho như đồ ăn, thức uống, đồ chơi hoặc người lạ nhờ làm giúp bất kỳ một việc gì đó. Những lúc như này, con phải giữ khoảng cách và có hành vi chống đối nếu người lạ cố tình tiến lại gần, cố gắng làm những hành động như la hét để thu hút sự chú ý của người xung quanh.
Hơn nữa, nếu đối tượng xấu tiếp cận, con hãy chạy nhanh đến những chỗ đông người hoặc nơi đáng tin cậy như nhân viên cửa hàng để nhờ giúp đỡ.
Biết sử dụng phương tiện công cộng
Đối với các em bé từ 10 tuổi trở lên có thể tự đi lại và bố mẹ nên dẫn bé ra ngoài, hướng dẫn con cách sử dụng phương tiện công cộng như xe bus. Trong trường hợp đi lạc, con có thể tự về nhà được. Nếu không có tiền, con hãy trình bày rõ với tài xế xe bus rằng mình đang đi lạc, người thân sẽ trả tiền khi về đến nhà.
Về phía cha mẹ, khi con bị lạc, phụ huynh cũng cần phải thật bình tĩnh để tìm cách liên lạc với con. Luôn giữ hình ảnh của con bên mình để khi cần nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người, giúp việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn. Phương án cuối cùng khi không tìm thấy con mới là khai báo công an.
Trên đây là những kỹ năng rất cơ bản mà mỗi bậc phụ huynh phải chỉ dạy cho con để con biết cách xử lý khi bị lạc. Tuy nhiên khi đến những chỗ đông người, luôn chủ động nắm giữ tay trẻ để đảm bảo con luôn bên cạnh. Hoặc cho bé đến khu vui chơi, luôn để con trong tầm mắt để kiểm soát, giữ an toàn cho con. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con.