Việc hình thành thói quen luôn dọn dẹp phòng sạch sẽ gọn gàng sẽ giúp cho trẻ có lối sống lành mạnh và hình thành nhiều tính cách tốt sau này. Vậy làm thế nào để dạy con tự dọn dẹp phòng? Đây chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh trăn trở. Bởi lẽ bất kể bố mẹ nào cũng mong con cái ngoan ngoãn và có lối sống ngăn nắp.
Phòng ngủ là không gian riêng tư của mỗi người, việc sắp xếp đồ dùng trong phòng sẽ góp phần cho biết tính cách của mỗi người. Để rèn luyện cho trẻ đức tính gọn gàng, ngăn nắp, phụ huynh cần có sự kiên nhẫn, động viên và khích lệ con trong cả quá trình. Dưới đây là một số bí quyết bố mẹ có thể tham khảo để giúp con rèn luyện được thói quen tốt.
Nội dung bài viết:
Hình thành thói quen lâu dài
Trẻ con thường được bố mẹ mua cho rất nhiều đồ chơi, chính vì vậy phụ huynh có thể bắt đầu với việc dạy trẻ dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi. Nên hình thành thói quen dọn dẹp đồ chơi càng sớm càng tốt. Mẹ có thể hướng dẫn bé một hai lần để bé tập quen với việc dọn dẹp. Khi hành động này được lặp lại thường xuyên sẽ giúp cho trẻ hiểu rằng sau khi chơi xong cần phải dọn dẹp ngăn nắp.
Sau đó, mẹ có thể hướng dẫn con gấp gọn chăn gối sau khi ngủ dậy và tiếp theo là dọn dẹp khu vực học tập của cá nhân. Dạy con tự dọn dẹp phòng sẽ giúp trẻ học được tính tự lập và có trách nhiệm với đồ dùng của mình.
Sử dụng quy tắc nhắc nhở 5 phút
Quy tắc nhắc nhở 5 phút đã được rất nhiều người kiểm nghiệm thành công và được khuyến khích sử dụng khi giáo dục trẻ. Để hình thành một thói quen nào đó đều cần có thời gian rèn luyện và thích nghi.
Bố mẹ cần kiên quyết và uốn nắn con khi thực hiện. Bé sẽ có khoảng thời gian chơi, thời gian học và thời gian dọn dẹp riêng. Khi bé chơi gần xong, mẹ cần nhắc nhở con về thời gian dọn dẹp. Tránh không được để bé trì hoãn hay kéo dài thời gian.
Sử dụng nhãn dán đánh dấu các vị trí lưu trữ
Việc dán nhãn lên các hộp đựng đồ dùng trong phòng sẽ góp phần giúp con phân loại và thu dọn nhanh hơn. Bố mẹ có thể cùng con dọn dẹp phòng trong thời gian đầu để giúp con ghi nhớ vị trí đồ dùng và cách lưu trữ.
Rèn luyện thói quen dọn dẹp thông qua trò chơi tương tác
Trẻ em thường rất hứng thú với các trò chơi chính vì vậy việc học tập hay rèn luyện thông qua trò chơi thường đạt được hiệu quả tối đa. Thông qua trò chơi tương tác, bố mẹ dễ dàng truyền tải các bài học cho con đồng thời còn giúp gia tăng mối liên kết giữa trẻ với bố mẹ.
Có thể ứng dụng một số trò chơi như: xem ai nhanh tay hơn, ai thu dọn được nhiều đồ hơn, thi xem ai gấp chăn gối đẹp hơn hay trò chơi ảo thuật biến đồ vật về vị trí cũ.
Sử dụng phần thưởng khi trẻ dọn dẹp phòng
Phần thưởng sẽ là nguồn động lực, khích lệ giúp trẻ ham muốn làm việc nhiều hơn. Điều này chắc chắn sẽ hiệu quả với trẻ trong thời gian đầu rèn luyện. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên sử dụng phương pháp này quá nhiều vì nó có thể gây ra tác dụng phụ khiến trẻ bị phụ thuộc.
Ngoài ra bố mẹ có thể sử dụng cách tính tích điểm nếu con làm tốt và sau đó thưởng cho bé một món quà nhỏ để khích lệ tinh thần.
Bố mẹ là tấm gương tốt nhất cho con
Người xưa thường nói rằng con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ chính vì vậy để dạy con dọn dẹp phòng hiệu quả thì bố mẹ nên là tấm gương đi trước.
Giai đoạn phát triển đầu đời, trẻ thường học theo và làm theo những gì chúng nghe thấy và nhìn thấy. Vì vậy để rèn cho con đức tính ngăn nắp, gọn gàng bố mẹ cần chủ động dọn dẹp thường xuyên và khuyến khích con tham gia vào các hoạt động đó mỗi ngày.
Mỗi giai đoạn lớn khôn của con đều cần có sự góp mặt và hướng dẫn của bố mẹ. Chính vì vậy để rèn luyện cho con những đức tính tốt, phụ huynh cần hướng dẫn và rèn dũa ngay giai đoạn đầu đời.
Dạy con tự dọn dẹp phòng ngay khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tự chủ trong công việc và có nếp sống gọn gàng. Trong quá trình hình thành thói quen cho trẻ bố mẹ cần khéo léo chỉ dẫn và đủ kiên trì để hướng dẫn cho con.
Quan trọng nhất, bố mẹ vẫn là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo chính vì vậy hãy tự rèn luyện cho bản thân những đức tính tốt trước khi dạy con. Quý phụ huynh có thể tham khảo một số phương pháp trên để ứng dụng khi dạy con tự dọn dẹp phòng của mình.