Ba mẹ có biết, 6 năm đầu đời được xem là thời điểm “vàng” giúp trẻ phát triển ngôn ngữ để tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao những kỹ năng quan trong sau này. Do đó, Ba mẹ nên biết và hiểu rõ sự khác nhau trong từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ, nhằm áp dụng phương pháp giáo dục sao cho thích hợp và đạt hiệu quả tốt nhất. Vậy chúng ta hãy cùng Mầm non DCA đi tìm hiểu cụ thể các bé nhà mình sẽ trải qua những giai đoạn phát triển ngôn ngữ nào nhé!
Nội dung bài viết:
Giai đoạn từ 0 – 3 tháng tuổi
Ngay từ lúc sinh ra, tuy bé có thể chưa giao tiếp bằng lời nói được nhưng đã bắt đầu biết lắng nghe cũng như phát ra một số âm thanh nho nhỏ. Qua đến tháng thứ hai, năng lực thính giác dần được cải thiện, trẻ bắt đầu chú ý đến những âm thanh quen thuộc và cũng biết phản ứng lại với tiếng động xung quanh của mọi người trong gia đình. Bên cạnh đó, những tiếng khóc hay tiếng bập bẹ chính là hình thức giao tiếp đầu tiên của bé khi muốn báo với Ba mẹ rằng mình đang đói, cảm thấy khó chịu muốn thay tã,…
Cuối giai đoạn này, gần như các bé đã phân biệt được giọng nói của từng thành viên trong nhà và đôi khi còn muốn tham gia vào cuộc trò chuyện cùng mọi người.
Giai đoạn bé từ 4 – 6 tháng tuổi
Bắt đầu sang tháng thứ tư, khả năng phản xạ với những âm thanh thu nhận được của trẻ đã dần trở nên rõ ràng hơn. Ba mẹ có thể thấy con tạo ra nhiều âm “ê, a” khác nhau, kết hợp cùng các cử chỉ tay chân như thể muốn nhập vào các cuộc trò chuyện bằng cách tạo ra tiếng ồn để thu hút sự chú ý.
Bên cạnh đó, bé cũng thể hiện sự thích thú khi được nghe nhạc và biết được giọng nói nào khi tức giận, gay gắt hay trìu mến của Ba mẹ, thậm chí sẽ ngừng khóc ngay khi nghe thấy giọng nói.
Giai đoạn từ 7 tháng – 1 tuổi
Khoảng thời gian này, sự phát triển ngôn ngữ của bé dường như đã tiến bộ hơn rất nhiều. Điều đó, dễ dàng nhận thấy qua khả năng nghe và phát âm của bé được phát huy một cách mạnh mẽ. Không còn là những tiếng “ê, a” vô nghĩa, thay vào đó bé đã có thể nói những từ đơn giản kiểu “ma ma”, “ba ba”,…
Có thể bé vẫn chưa thực sự nhận thức được những gì mình nói nhưng vẫn biết được lúc nào người khác gọi tên và phản ứng lại bằng lời nói hoặc hành động. Nhìn chung, trẻ mầm non trong thời gian này sử dụng chủ yếu ngôn ngữ hình thể để diễn đạt như lắc đầu khi muốn nói “không”, xua tay để từ chối điều mình không thích, hay làm theo mệnh lệnh đơn giản từ người lớn kiểu đặt lên xuống một vật bất kỳ,…
Vì thế, Ba mẹ cần dành nhiều thời gian quan sát để nhận ra sự thay đổi mỗi ngày của các con yêu, từ đó trở thành những người đồng hành và hỗ trợ tinh thần cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.
>>> Xem thêm: Phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non: Đâu là các phương pháp hiệu quả nhất giúp trẻ dễ dàng làm quen với ngôn ngữ?
Giai đoạn bé từ 1 – 3 tuổi
Bước vào giai đoạn từ 13 đến 18 tháng tuổi, đây chính là giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non có nhiều sự biến đổi lớn. Bé đã bước sang giai đoạn sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp với những người thân xung quanh.
Qua đến giai đoạn 19 đến 24 tháng tuổi, vốn từ vựng của bé đã phong phú hơn đáng kể. Bé biết cách ghép các từ cơ bản với nhau để tạo thành một câu ngắn như “Lấy giúp con”, “Bế con”, “Ba ơi/ mẹ ơi, ôm con”,…
Khi bé 3 tuổi, đây chính là thời điểm mà sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non bùng phát rõ nhất. Bé tiếp thu kiến thức với các từ mới cực kỳ nhanh nên khả năng dùng từ cũng cải thiện vượt bậc.
Nhiều lúc bé còn tự trò chuyện một mình, với đồ chơi cũng như quan sát và bắt chước lời nói của người lớn. Không chỉ vậy, bé có thể trả lời các câu hỏi phức tạp như “Là cái gì”, “Đi đâu”, “Với ai”, “Ăn gì”,… và hiểu nghĩa của dạng câu phủ định “không được”, “không thể”, “không cho”,…
>>> Xem thêm: Dạy bé 1 tuổi những gì: Những điều ba mẹ cần biết để con phát triển khỏe mạnh và thông minh?
Giai đoạn bé từ 4 – 6 tuổi
Đây là cuối giai đoạn mầm non, trẻ dần biết cách khắc phục một số lỗi cơ bản về phát âm, ngữ pháp, cách sử dụng từ ngữ chuẩn và có thể nói liên tiếp 2, 3 câu liên quan.
Vốn từ vựng tích lũy của bé gia tăng từng ngày, bởi vậy bé rất thích đặt câu hỏi cho người lớn để thỏa mãn tính tò mò. Chủ động nói lên yêu cầu, mong muốn, suy nghĩ bằng chính ngôn ngữ của mình.
Các kỹ năng giao tiếp ở thời điểm này của trẻ cũng được phát triển rất nhanh, biết tìm cách gây sự chú ý hay biết thiết lập dần các mối quan hệ bằng lời nói.
Như vậy, với các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ nêu trên có thể nhận thấy rằng 6 năm đầu đời đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng giao tiếp trong tương lai. DCA hy vọng Ba mẹ có con đang ở độ tuổi mầm non sau khi hiểu được điều này là rất cần thiết, sẽ có những giải pháp khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ cho bé ngay từ thời thơ ấu.